05/06/2024

11 lượt xem

Có cần hủy hợp đồng đặt cọc đã công chứng mới được bán nhà đất cho người khác?

Thực tế, nhiều trường hợp hai bên đã ký kết hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất có công chứng tại Văn phòng công chứng nhưng quá thời hạn mà người mua (bên đặt cọc) không xuất hiện, làm người bán (bên nhận cọc) ‘khó xử’.

Tháng 4/2021, chị V. ký hợp đồng đặt cọc có công chứng bán phần nhà đất của mình tại huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) cho anh Đ. với giá 4,2 tỷ đồng, nhận tiền cọc 300 triệu đồng. Tại hợp đồng đặt cọc quy định rõ “trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc, bên đặt cọc có nghĩa vụ thanh toán đủ tiền để bên nhận cọc chuyển nhượng phần nhà đất theo quy định, quá thời hạn nêu trên mà bên đặt cọc không thanh toán đủ tiền sẽ bị mất cọc”. Tuy nhiên, quá thời hạn tại hợp đồng đặt cọc mà anh Đ. vẫn không đến để thanh toán đủ tiền cho chị V., chị V. gọi điện thì anh Đ. cứ hẹn cho thêm một tuần nữa và mãi đến giờ vẫn chưa thanh toán đủ tiền. Chị V. thắc mắc là giờ quá thời hạn ghi trong hợp đồng đặt cọc mà anh Đ. không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán thì chị V. có quyền bán nhà đất này cho người khác, hay phải nhờ anh Đ. đến để cả hai ra Văn phòng công chứng hủy hợp đồng đặt cọc?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số ý kiến pháp lý như sau:

Thứ nhất, theo Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp đã hết thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc nhưng bên đặt cọc không đến để thực hiện việc mua bán nhà đất thì coi như họ từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng. Do đó, số tiền họ đã đặt cọc thuộc về bạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vì bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng nên bạn hoàn toàn có quyền bán nhà đất của mình cho người khác (không cần có sự đồng ý của bên đặt cọc).

Thứ hai, hiện nay, vẫn tồn tại một số Văn phòng công chứng “máy móc” không chịu thực hiện công chứng hợp đồng mua bán nhà đất giữa bên nhận cọc với bên thứ ba, nếu trước đó bên nhận cọc đã ký hợp đồng đặt cọc có công chứng với bên đặt cọc (dù quá thời hạn quy định mà bên đặt cọc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ như thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc). Việc làm này của Văn phòng công chứng là không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận cọc; do đó, trong trường hợp này bên nhận cọc cần phải yêu cầu Văn phòng công chứng giải thích rõ lý do (có căn cứ pháp luật), hoặc tìm đến Văn phòng công chứng khác để thực hiện việc chuyển nhượng nhà đất của mình theo quy định.

Bài viết liên quan

images

Theo quy định, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy quy định cụ thể thế nào? Cấp sổ đỏ cho hộ gia đình đang sử dụng […]

images

NHNN đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 51/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Hình minh họa Theo đó, dự thảo Thông tư bổ sung […]

images

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Trong đó có đề xuất quy định về lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì? Theo […]